1. ĐỊNH NGHĨA

Ngón tay lò xo (Trigger finger) là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân. Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo. Vì vậy bệnh có tên là ngón tay lò xo.

2. NGUYÊN NHÂN

– Một số nghề nghiệp: Nông dân, giáo viên, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công…

– Chấn thương.

– Hậu quả của một số bệnh: Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, gút….

3. CHẨN ĐOÁN

a) Chẩn đoán xác định

– Dựa vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ

– Đau ngón tay tại vị trí bao gân bị viêm và tại cục xơ, khó cử động ngón tay.

– Ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế gấp vào lòng bàn tay hoặc duỗi thẳng

– Khám ngón tay có thể cò súng.

– Có thể sờ thấy cục viêm xơ trên gân gấp ngón tay ở vị trí khớp đốt bàn ngón tay. Cục viêm xơ di động khi gấp duỗi ngón tay.

– Ngoài ra, sử dụng siêu âm với đầu dò tần số 7,5-20MHz có thể thấy gân dày lên và có dịch bao quanh.

– Không cần thiết phải làm xét nghiệm máu đặc biệt cũng như không cần chụp Xquang. Tuy nhiên cần phải làm xét nghiệm cơ bản trước khi cho thuốc hay trước khi tiêm corticoid, đặc biệt là các xét nghiệm đường máu, chức năng gan thân.

b) Chẩn đoán phân biệt

Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng, viêm khớp vẩy nến, gút: là những bệnh có thể có biểu hiện sưng đau các khớp ở bàn tay. Có thể phân biệt dựa vào các triệu chứng lâm sàng kèm theo và dựa vào siêu âm.

4. ĐIỀU TRỊ

4.1. Nguyên tắc điều trị

– Kết hợp nhiều biện pháp điều trị : Không dùng thuốc, dùng thuốc, tiêm corticoid tại chỗ, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, ngoại khoa.

– Cần tích cực dự phòng bệnh tái phát bằng chế độ lao động sinh hoạt nhẹ nhàng, hợp lý, kết hợp với dùng thuốc, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.

4.2. Điều trị cụ thể (nội khoa, ngoại khoa)

a) Các phương pháp không dùng thuốc

– Hạn chế vận động gân bị tổn thương.

– Chuờm lạnh nếu có sưng nóng đỏ, chiếu tia hồng ngoại

b) Thuốc

– Thuốc giảm đau: Có tác dụng hỗ trợ giảm đau, chỉ định một trong các thuốc sau

+ Floctafenine

+ Acetaminophen

+ Paracetamol/dextropropoxiphen

+ Paracetamol/tramadol

–  Thuốc chống viêm không steroid: bôi tại chỗ hoặc đường toàn thân:

chỉ định một trong các thuốc sau:

+ Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib, Etoricoxib

– Tiêm corticoid tại chỗ:

Chỉ tiêm với  điều kiện có bác sĩ chuyên khoa khớp. Khi tiến hành tiêm corticoid tại chỗ phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Các chế phẩm:

+ Methyl prednisolon acetat (1ml = 40mg) là loại tác dụng kéo dài.

Liều cho một lần tiêm trong bao gân từ 8 – 20mg/1 lần (0,2 – 0,5ml/1 lần) tuỳ

thuộc vị trí, mỗi đợt cách nhau 3-6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt.

+ Betamethasone (1ml = 5mg Betamethasone dipropionate + 2mg Betamethasone sodium phosphate) là loại tác dụng kéo dài. Liều cho một lần tiêm cạnh khớp từ 0,8 – 2mg/1 lần (0,2 – 0,5ml/1 lần) tuỳ thuộc vị trí, mỗi đợt cách nhau 3-6 tháng, mỗi năm không quá 3 đợt.

+ Chống chỉ định tuyệt đối (tiêm corticoid tại chỗ): Các tổn thương do nhiễm khuẩn, nấm hoặc chưa  loại trừ được nhiễm khuẩn; tổn thương nhiễm trùng trên hoặc gần vị trí tiêm.

Thận trọng (tiêm corticoid tại chỗ) (bao gồm các chống chỉ định của corticoid): Cao huyết áp, đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng (phải điều trị và theo dõi trước và sau tiêm) bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông hoặc có rối loạn đông máu.

+ Các tác dụng ngoại ý sau tiêm cortioid tại chỗ: đau sau tiêm vài giờ, có thể kéo dài một vài ngày, thường hay gặp sau tiêm mũi đầu tiên; teo da tại chỗ hoặc mảng sắc tố da do tiêm quá nông, tình trạng này sẽ hết trong vài tháng; nhiễm trùng.

– Điều trị nguyên nhân kèm theo nếu có.

c) Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật giải phóng chèn ép, cắt bỏ phần viêm xơ nếu điều trị nội khoa thất bại.